Đĩa Games PS5 The Nioh Collection
Giá bán: 750,000 VNĐ
VIDEO mới nhất
PHIÊN BẢN COLLECTION KHÁC GÌ SO VỚI BẢN THƯỜNG?
Phiên bản Collection sẽ bao gồm cả Nioh 2 Remastered và Nioh Remastered
Nioh 2 – Một trò chơi nên khó đến mức độ nào? Câu trả lời cũng khá đơn giản, nó nên khó bằng sự nỗ lực mà người chơi muốn bỏ ra để vượt qua, nó phải bắt người chơi phải kiên nhẫn, học hỏi và thấu hiểu được cơ chế và thiết kế của trò chơi, đồng thời cho người chơi cảm giác thỏa mãn mỗi khi trải qua một thử thách. Những nguyên lý này đồng thời cũng là nền tảng cho những tựa game của FromSoftware, khi nói đến những trò chơi của hãng thì chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến chữ “khó” nhưng người hâm mộ không thực sự thích chúng vì độ khó, mà là sự vui sướng họ nhận được khi đánh bại một con trùm sau khi dành vài tiếng đồng hồ để đọ sức lẫn đọ trí. Điểm sáng của các tựa game mà FromSoftware phát triển chính là mọi thứ đều khó nhưng công bằng và mỗi lần ta chết đều là “lỗi của chính ta”, điều này khuyến khích người chơi phải đi chậm lại, bắt đầu học hỏi và chú ý tới những gì ở xung quanh. Cũng chính vì yếu tố này mà các cuộc chạm trán với những tên trùm từ vô cùng khó trở nên dễ thở hơn qua từng mạng, có thể phần thưởng mà ta nhận được qua mỗi cuộc xung đột sẽ không phải lúc nào cũng hào nhoáng hay đắt tiền, nhưng cảm giác vui sướng sau khi vượt qua khó khăn ấy là mãi mãi! Dark Souls không những thành công ở khía cạnh vừa nêu trên mà dòng game còn tạo một thể loại game mới mang tên Souls-like. Kể từ đó, một loạt hãng phát triển cố gắng tạo lại công thức mà FromSoftware đã đề ra.
Kết quả, chúng ta có các sản phẩm cố quá mức để “ăn theo” Dark Souls như Lords of the Fallen, đồng thời ta cũng có những trò chơi thay đổi công thức ấy và tạo ra nét độc đáo riêng như Nioh. Nioh đã để ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người chơi với bối cảnh lịch sử thú vị và lối chơi nhanh nhẹn, độc đáo nhưng không làm mất đi phần khó của thể loại này. Nioh không chỉ đã tạo một chỗ đứng riêng cho mình với tư cách là một tựa game Souls-like được yêu thích không do FromSoftware sản xuất, mà còn là một trong những tựa game đã thay đổi được công thức do hãng tạo ra.
Vậy Nioh 2 có thể nối tiếp những kỳ tích của tiền bản?
BÌNH CŨ, RƯỢU MỚI
Nioh 2 đã thành công rực rỡ điều mà mọi hậu bản nên làm: mở rộng những yếu tố vốn có của phần trước và tạo thêm các khía cạnh mới. Điều đầu tiên mà người chơi sẽ nhận thấy khi bắt đầu chính là lần này, bạn sẽ không còn nhập vào vai William nữa mà bạn sẽ được phép tạo khắc một hình dạng riêng cho nhân vật của mình. Khả năng thiết kế nhân vật của trò chơi tuy không quá mới mẻ nhưng cũng có tương đối nhiều lựa chọn để người chơi có thể tạo những hình dạng thú vị cho nhân vật của mình. Ở phần này, người chơi sẽ có thể sử dụng tất cả vũ khí trong phần một (game gốc và bản mở rộng), ngoài ra còn có sự xuất hiện của hai loại vũ khí mới chính là song rìu (Dual Hatchets) và cây Switchglaive. Nhìn thoáng qua thì thấy cây song rìu chỉ là một bản sao của cây song kiếm nhưng điều này không hề đúng, cây song kiếm ở bất kỳ thế đánh nào cũng có điểm nhấn là tốc độ (ngay cả khi ở tư thế thượng thiên về sát thương thì nó vẫn có thể đưa đòn nhanh hơn phần lớn các vũ khí khác) còn cây song rìu lại ra đòn chậm hơn nhưng có khả năng gây sát thương ở cự ly xa. Ở tư thế thấp, khi nhấn giữ nút tấn công thì người chơi sẽ ném liên tục hai cây rìu; ở tư thế trung, hai cây rìu sẽ được ném cùng lúc; ở tư thế thượng, người chơi chỉ có thể ném một cây rìu nhưng nó sẽ đâm xuyên kẻ địch.
Cây Switchglaive trông như một bảo bối được “lạc trôi” từ Bloodborne, thay vì chỉ có thể thay đổi giữa hai chế độ thì người chơi sẽ có thể thêm một lựa chọn thứ ba trong Nioh 2. Ở tư thế thượng, vũ khí này sẽ biến thành… cây lưỡi hái cho phép người chơi kéo đối thủ lại gần và gây sát thương lớn; ở tư thế trung, người chơi có thể dùng nó để đâm và phá phòng thủ của kẻ địch như một cây thương thông thường; ở tư thế thấp, lưỡi thương sẽ được kéo xuống và hình thành một dao lớn với tốc độ tấn công vô cùng nhanh nhẹn, dễ dàng để người chơi đàn áp đối thủ ở cự ly gần. Khác với phần trước, mọi người sẽ không còn chỉ tạo ra hiệu ứng đặc biệt lên vũ khí khi kích hoạt “Living Weapon”, mà thay vào đó người chơi sẽ biến hình thành một con quỷ toàn diện, trạng thái này bây giờ được gọi là Yokai Shift. Tất cả thần hộ mệnh cho phép người hóa thân thành một trong ba dạng quỷ: Brute, Feral và Phantom. Brute thiên về sát thương vật lý ở cự ly gần, Feral xuất sắc về mặt tốc độ và Phantom có khả năng tấn công ở khoảng cách xa hơn so với hai dạng trên.
Kể cả khi chưa kích hoạt thần hộ mệnh của mình, thì bạn vẫn có thể mang hình dạng quỷ trong một vài giây để phản các đòn đánh phát sáng màu đỏ bằng tổ hợp nút R2 + O. Tùy vào dạng quỷ bạn chọn mà kỹ năng Burst Counter này sẽ mang đến hiệu ứng khác, chẳng hạn với Brute bạn sẽ tung ra một đòn tấn công để ngăn chặn hành động của đối thủ, nếu như canh thời gian đúng thì bạn có thể gây ra một đòn lớn lên thanh thể lực (Ki) của đối phương đồng thời rút ngắn giới hạn hồi phục thể lực của chúng; trong dạng Feral, bạn sẽ né qua một bên và để lại ảo ảnh cũng gây sát thương lên thanh thể lực của đối phương nếu chúng đánh vào ảnh ảo này; Phantom thì tiếc thay sẽ không thể né hay ngăn chặn hành động của đối phương mà chỉ có thể tạo ra một chiếc khiên để đỡ đòn, nếu đỡ đúng thời gian thì người chơi cũng có thể làm hại thanh thể lực của đối thủ. Với một kỹ năng hữu dụng như thế thì tất nhiên bạn sẽ không thể dùng liên tục được, vì mỗi lần sử dụng sẽ tốn một điểm Anima. Và đó cũng là một yếu tố mới được giới thiệu trong Nioh 2, ở phần trước chúng ta chỉ cần phải quan tâm đến thanh máu và thanh thể lực nhưng ở phần này có thêm một thanh thứ ba mang tên Anima. Như đã nói trên, người chơi có thể tiêu một điểm Anima để phản đòn đối thủ nhưng nó còn có thể được sử dụng để triệu hồi các ác linh khác. Xuyên suốt trò chơi, bạn sẽ gặp phải vô vàn những quái vật muốn tiêu diệt bạn và nếu như bạn may mắn giết được chúng thì sẽ có khả năng nhặt được những Soul Core của chúng.
Sau khi có Soul Core trên người, bạn muốn đi đến miếu thờ (Shrine) gần nhất để có thể kích hoạt khả năng triệu hồi quái vật. Ở đầu game, một lúc bạn chỉ có thể mang một lúc một thần hộ mệnh và hai ác linh để triệu hồi và tất nhiên số lượng sẽ tăng lên khi chơi cốt truyện. Tất cả những kỹ năng tiêu tốn Anima đều rất thuận lợi để rút ngắn thanh thể lực của đối phương. Nếu như bạn đã chơi Nioh thì chắc hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với việc tìm kiếm những bị thần linh Kodama nằm rải rác khắp màn chơi. Trong phần này, bạn sẽ không chỉ có Kodama được đặt trong màn chơi mà bạn còn gặp phải phiên bản màu tím của chúng tên là Sudama và những chú mèo Scampuss. Thay vì cho người chơi hiệu ứng đặc biệt thì người chơi có thể trao đổi một món đồ mình có với Sudama để đổi lấy một thứ khác cùng giá trị! Khác với cả cả hai tiểu linh trên, Scampuss sẽ không cho người chơi bất kỳ hiệu ứng vĩnh viễn hay món đồ quý giá nào, mà chúng sẽ bám theo người chơi và gây sát thương nhỏ lên kẻ địch đồng thời tăng khả năng hồi phục Anima. Chắc hẳn bây giờ bạn đang nghĩ rằng: “Biến hình thành yêu quái? Triệu hồi ác linh? Sudama? Scampuss? Tại sao Nioh 2 nghe dễ hơn so với phần trước thế?” Điều này cũng đúng một phần, nhà phát triển đã tạo ra những cơ chế này để làm trải nghiệm của người chơi trở nên… vui và dễ thở hơn nhưng thực sự nó chỉ là cái cớ để họ giới thiệu: Dark Realm! Nếu như bạn đã trải qua phần một thì có thể bạn sẽ biết rằng khi chiến đấu với ác linh, chúng sẽ tạo ra một vùng tối Yokai Realm ở dưới chân để giảm khả năng hồi phục thể lực của bạn, bây giờ hãy tưởng tượng cũng vùng tối đó mà phạm vi lớn hơn gấp 10 lần và giảm khả năng hồi thể lực nặng hơn, thì đó chính là Dark Realm trong Nioh 2.
Thay vì là một vùng nhỏ đặt ở dưới chân yêu quái mà người chơi có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách thực hiện Ki Pulse thì Dark Realm là một khu vực lớn mà người chơi buộc phải đi sâu vào trong khu vực này và tiêu diệt con yêu quái tỏa ra màu đỏ, hoặc một đồ vật nào đó tùy theo từng khu vực. Một điều nên chú ý chính là khi ở trong Dark Realm, khả năng hồi phục thể lực của người chơi sẽ bị giảm rất nhiều so với khi ở trong Yokai Realm, đồng thời mọi yêu quái nằm trong khu vực này sẽ được tăng sức mạnh đáng kể.
LỐI CHƠI ĐẦY TỐC ĐỘ
Với những cơ chế chiến đầu mới được thêm vào trong trò chơi, điều này đã thay đổi hoàn toàn cách chơi và nhịp điệu của từng trận đánh. Điều vô cùng rõ ràng khi so sánh cơ chế chiến đấu của hai phần với nhau chính là tốc độ, trong phần một bạn sẽ phải học hỏi từng lối đánh của kẻ địch và trừng trị chúng ở giữa từng đòn công. Tuy nhiên, ở Nioh 2 bạn sẽ không cần phải đợi đối thủ ra đòn để gây sát thương mà bạn có thể tạo ra chỗ hở để tấn công, bằng cách sử dụng Burst Counter. Để có thể giữ được độ khó của trò chơi đồng thời tăng nhịp điệu của từng cuộc xung đột thì hãng đã cho thêm cơ chế Dark Realm. Như đã nói trên, khi bước chân vào khu vực bị nhiễm này thì khả năng hồi phục thể lực của người chơi sẽ bị giảm trầm trọng và kẻ địch sẽ có thêm vài chiêu mới, đồng thời sức tấn công của chúng cũng được tăng lên buộc người chơi phải quay trở về với quy luật của phần trước và chỉ tấn công ở sau khi đối thủ ra đòn hay khi thời cơ sử dụng Burst Counter xuất hiện, hoặc triệu hồi ác linh để làm kiệt sức đối thủ.
Có lẽ điểm sáng nhất của cơ chế này chính là khi nó được áp dụng vào những màn đấu lớn với những con trùm, trong lúc chiến đấu chúng sẽ thỉnh thoảng biến toàn bộ sàn đấu thành một khu vực Dark Realm trong quãng thời gian ngắn. Bên cạnh việc giảm khả năng hồi thể lực của người chơi thì chúng còn có thể đàn áp họ bằng những kỹ năng mới chỉ xuất hiện tại đây, các tuyệt chiêu mới này dĩ nhiên sẽ tùy vào từng tên trùm mà bạn gặp phải nhưng chúng đều có một điểm chung khi ở trong trạng thái này: việc tấn công thường xuyên hơn. Bây giờ, bạn sẽ phải liên tục né những đòn đánh đầy đau đớn của chúng cho đến lúc chúng quay về trạng thái ban đầu trong khi thanh thể lực của bạn gặp khó khăn hồi phục nhưng điều này không hề là lựa chọn duy nhất của bạn.
Bên cạnh việc bỏ chạy, bạn có thể chủ động loại bỏ Dark Realm bằng cách rút toàn bộ thanh thể lực của chúng với những ác linh mà bạn triệu hồi được, hoặc sử dụng vũ khí có sát thương thể lực cao như cây quải (Tonfa). Sau khi rút toàn bộ thể lực của tên trùm thì không những bạn sẽ loại bỏ Dark Realm mà còn làm chúng tạm thời bị gục, sẵn sàng để bạn đưa một nhát dao chí mạng vào. Nếu như cơ chế chiến đấu trong Nioh buộc người chơi phải quan sát và học hỏi lối đánh để có thể làm quen với nhịp điệu trận đấu thì Nioh 2 sẽ bắt người chơi phải làm những điều đó, nhằm điều khiển hoàn toàn mạch của trận đánh.
THIẾT KẾ NHÂN VẬT ĐẦY ẤN TƯỢNG!
Một trong những điều khiến phần trước vô cùng thú vị chính là cách hãng phát triển đã đưa người chơi vào một thời điểm lịch sử và cho người chơi gặp gỡ những nhân vật có thật, đồng thời sử dụng các tài liệu vốn có về huyền thoại Nhật Bản để tạo ra hình thù độc đáo cho những thần hộ mệnh và các con yêu quái mà người chơi gặp phải. Ở Nioh 2, thiết kế nhân vật và yêu quái độc đáo đã được kế thừa và trở thành một “điểm cộng” lớn của game. Đối với những nhân vật người, Team Ninja đã phối hợp cả những chi tiết lịch sử trong sách vở và yếu tố huyền ảo của trò chơi và thể hiện điều này một cách rõ ràng lên ngoại hình nhân vật, khiến cho mọi nhân vật đều có hình dạng độc nhất và vô cùng dễ nhớ. Điều này lại càng đúng hơn đối với những nhân vật mà bạn phải đối đầu trong cốt truyện chẳng hạn như Saito Yoshitatsu hoặc Magara Naotaka. Còn với những con yêu quái trong trò chơi, hãng phát triển cũng sử dụng tất cả những hình ảnh và sách miêu tả về ngoại hình, hành động và truyền thuyết của chúng để có thể mang lại một phong cách đặc trưng cho mọi kẻ địch trong trò chơi.